Với rất nhiều những sự thay đổi về lối chơi, đường trên đã không còn mặc định là của những đấu sĩ nữa. Để đem lại chiến thắng cho một đường rất quan trọng này, nhiều đội đã sử dụng đến cả những sát thủ và pháp sư để tạo ra một tam giác có khả năng khắc chế lẫn nhau: Đấu sĩ - pháp sư - sát thủ.
Đấu sĩ - Tấm lá chắn cho đồng đội
Vai trò của đấu sĩ luôn cực kì quan trọng và tại thời điểm đầu mùa 3 được xem là giai đoạn phát triển nhất của những vị tướng vừa có khả năng đỡ đòn vừa gây sát thương này. Với việc Giáp Máu Warmog được thay đổi, trang bị này cùng Áo Choàng Lửa đã trở thành những trang bị không thể thiếu trong mọi trận đấu. Thời kì đó, đường trên dần trở thành cuộc thi xem ai lên được hai trang bị kia nhanh nhất. Nhiệm vụ của họ là thu hút càng nhiều sát thương càng tốt và họ không cần những trang bị gây sát thương bởi lượng sát thương cơ bản từ các kĩ năng là quá đủ. Đó là thời kì mà Renekton, Nasus,... thực sự mạnh
Những đấu sĩ luôn rất mạnh ở đường trên.
Chính vì sức mạnh không thể ngăn cản của hai trang bị này, những điều chỉnh đã được đưa ra và kéo theo đó là những thay đổi về lối chơi của các đấu sĩ. Không thể khởi đầu bằng Ngọc Lục Bảo kèm theo 6 Bình Máu và Mắt, những người đi đường trên hướng tới việc mua trang bị khởi điểm với Thuốc Cường Lực và nhiều Bình Máu. Chính nhờ đó, thời cơ cho các sát thủ được mở ra khi những vị tướng như Zed, Kha'Zix hay Pantheon cực kì thích hợp cho lối mua trang bị này nhờ vào lượng sát thương cực lớn lúc đầu. Những vị trí này nhanh chóng chiếm lấy vị trí của các đấu sĩ đường trên.
Sát thủ - Những thích khách siêu hạng
Sự phát triển rộng rãi của Thuốc Cường Lực khiến cho vị thế của các sát thủ trở nên vững chắc hơn bao giờ hết. Không chỉ đường giữa, các sát thủ đã "đánh chiếm" lên tận đường trên bởi sức mạnh của họ ở thời điểm đầu và giữa trận là cực kì ấn tượng. Gần như một combo hoàn chỉnh được tung ra, những tướng chủ lực của đối phương sẽ phải lên bảng đếm số ngay lập tức. Ở đường trên, tuy không có sức chống chịu tốt như các đấu sĩ nhưng bù lại, các đấu sĩ có khả năng rỉa máu xa tốt hơn và điều đó đã khiến những đấu sĩ thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đối thủ.
Những sát thủ có độ cơ động và khả năng dồn sát thương cao.
Cuộc chiến giữa các đấu sĩ và các sát thủ có lẽ sẽ kéo dài mãi nếu không có một sự thay đổi đáng kể về Thuốc Cường Lực - cánh tay phải đắc lực của các sát thủ. Với việc chỉ còn mua được 3 Bình Máu và không có mắt khi lựa chọn Thuốc Cường Lực, các sát thủ trở nên dễ bị tấn công bởi các tướng đi rừng hơn bởi đường trên là đường dài và khả năng trốn thoát ban đầu của các vị tướng này lại không thực sự tốt. Trong khi đó, với lượng máu lớn hơn, các đấu sĩ có thể "vùng vẫy" để trốn thoát trước sự truy kích của hai kẻ địch. Hệ quả kéo theo là các đấu sĩ trở lại mạnh mẽ hơn bất chấp việc Giáp Máu Warmog và Giáp Lửa không còn quá mạnh như trước.
Pháp sư - Bình mới, rượu cũ
Để khắc chế lại sự thống trị của các đấu sĩ, những người chơi nổi tiếng đã phải cầu viện tới một nhóm tướng khác: các pháp sư. Về khả năng chống chịu, chắc chắn các pháp sư không thể sánh với các đấu sĩ nhưng bù lại họ có thể khắc chế đối thủ một cách khá tốt bởi hầu hết những pháp sư đều là các tướng đánh xa và họ cũng có thể tung kĩ năng từ xa. Phong cách này không phải bây giờ mới có khi ở thời điểm mùa 1, các pháp sư đường trên đã xuất hiện khá nhiều nhưng vì những lí do nhất định, họ vẫn không thể cạnh tranh được với các đấu sĩ ở đường trên. Dẫu vậy, ở thời điểm đó, mỗi nhóm tướng thường bị bó buộc ở một đường nhất định. Ví dụ như ở đường giữa, các pháp sư luôn là mạnh nhất hay đường trên vẫn được xem là của riêng những đấu sĩ.
Các tướng tay dài gây sát thương phép như Kennen đang rất phổ biến ở đường trên.
Thế nhưng, thời điểm này các chiến thuật đã linh hoạt hơn rất nhiều. Sự xuất hiện của các sát thủ vật lý đường giữa đã khiến những pháp sư bị đè nén khá nhiều mặc dù đã có trang bị Giáp Tay Seeker. Chính vì vậy, để cân bằng lại lượng sát thương trong đội hình với đủ cả sát thương vật lý và phép thuật, nhiều đội đã chọn một tướng đường trên có khả năng gây sát thương tốt bằng phép thuật đồng thời tạo ra lượng vô hiệu hóa lớn. Tiêu biểu như Lissandra hay Kennen, thậm chí cả những Orianna hay Ryze đều có thể được sử dụng ở đường trên. Với lượng kĩ năng khống chế sẵn có, những tướng này có thiên hướng phá đội hình đối thủ nhiều hơn là chống chịu sát thương. Trách nhiệm này sẽ được tướng đi rừng gánh vác hoàn toàn và đội hình này sẽ thiên về bao bọc và yểm trợ lẫn nhau gây sát thương.
Sự xuất hiện liên tục của các pháp sư và một vài sát thủ đã khiến cuộc chiến ở đường trên trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Tam giác pháp sư - đấu sĩ - sát thủ đều có khả năng khắc chế lẫn nhau và đóng vai trò nhất định trong chiến thuật ngày nay. Chính điều này đã khiến các trận đấu trở nên linh hoạt và hấp dẫn hơn rất nhiều.